Mục tiêu để học tốt Triết học Mác - Lênin

1. Xây dựng nền tảng tư duy vững chắc

Học tập triết học Mác – Lênin giúp chúng ta từng bước xây dựng và hình thành thế giới quan khoa học, có phương pháp tiếp thu một cách hiệu quả lý luận mới, những thành tựu khoa học – công nghệ của nhân loại.

Hiểu và nắm vững chủ nghĩa Mác – Lênin, không sa vào tình trạng mò mẫm, mất phương hướng, chủ quan, duy ý chí. Có cách nhìn xa trông rộng, chủ động sáng tạo trong công việc, khắc phục chủ nghĩa giáo điều, máy móc.

Học tập triết học Mác – Lênin giúp cho sinh viên có động cơ học tập đúng đắn, thái độ nghiêm túc trong rèn luyện đạo đức công dân, ý thức nghề nghiệp của người lao động tương lai. Để đạt được mục đích đó người học cần chú ý liên hệ từng nguyên lý, có ý thức trách nhiệm trong học tập, rèn luyện, từng bước vận dụng vào đời sống, xây dựng tập thể, góp phần lớn nhất vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

2. Nâng cao khả năng tư duy phản biện

Thứ nhất, kích thích khả năng đặt câu hỏi và tìm kiếm vấn đề, giải pháp mới.
Khả năng đặt câu hỏi, phát hiện vấn đề là một yếu tố quan trọng của tư duy phản biện tốt. Việc đặt ra câu hỏi nhiều khi còn quan trọng hơn cả tìm kiếm câu trả lời bởi đó là khởi nguồn của sáng tạo, đổi mới.

Nhờ khả năng đặt câu hỏi, chủ thể tư duy không dễ dàng chấp nhận những tri thức, niềm tin có sẵn, bị áp đặt mà luôn đặt chúng dưới sự xem xét, đánh giá về tính đúng sai, về độ tin cậy trước khi áp dụng vào giải quyết vấn đề; nhờ đó, có khả năng phát hiện, tìm ra các cách tiếp cận hoặc giải pháp mới.

 Khi học sinh, sinh viên tiếp cận với các quan niệm triết học sẽ có cơ hội vượt ra khỏi những niềm tin giới hạn, những định kiến, suy nghĩ máy móc để biết nhìn mọi vấn đề dưới con mắt của sự “hoài nghi” khoa học, có năng lực suy nghĩ độc lập, chủ động trong tiếp nhận đánh giá thông tin, tri thức.

Thứ hai, hình thành tư duy đa chiều, toàn diện.
Trong quá trình giải quyết vấn đề và ra quyết định, người có năng lực tư duy phản biện tốt sẽ không đánh giá, xem xét vấn đề một chiều mà ở nhiều khía cạnh khác nhau, có tính toàn diện. Năng lực này có thể được phát triển tốt nhờ học triết học. Vấn đề nghiên cứu của triết học vừa rộng vừa phức tạp do đó không chỉ có một cách nhìn duy nhất đúng. Thực tế sự vận động của lịch sử triết học cho thấy ở các thời đại khác nhau, và ở cùng một thời đại luôn xuất hiện nhiều quan điểm khác nhau, mâu thuẫn nhau khi trả lời các câu hỏi chung về thế giới và con người.

Thứ ba, nâng cao khả năng lập luận.
Ngày nay, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, học sinh, sinh viên cần có tư duy phản biện tốt để tiếp thu kiến thức một cách chủ động, biết chọn lọc thông tin, đánh giá các quan niệm, ý kiến, niềm tin một cách có căn cứ. Triết học không cung cấp những tri thức, kĩ năng cho một nghề nghiệp cụ thể nào nhưng triết học dạy cách chúng ta suy nghĩ, cách chúng ta tiếp nhận những quan niệm trên tinh thần phản biện.

Đặc trưng của tư duy triết học là tư duy lý luận. Triết học lý giải các vấn đề về thế giới và con người không phải bằng niềm tin hay tưởng tượng mà bằng những suy tư có tính logic, có căn cứ dựa trên sự khái quát những kinh nghiệm thực tiễn lịch sử của đời sống loài người, sự tổng kết tri thức của các khoa học cụ thể. Chính vì thế những kết luận triết học hay những đối thoại triết học chỉ thực sự thuyết phục nếu nó dựa trên những căn cứ được chứng minh đầy đủ.

Cảm ơn các bạn đã theo dõi 💜

Đăng nhận xét

0 Nhận xét